Chuyện nghiện game của giới trẻ: Có thực sự đáng báo động trong xã hội?
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xuất hiện những vụ trọng án mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc hung thủ nghiện game online (trò chơi điện tử trực tuyến). Nghiện game online không còn là chuyện của riêng mỗi gia đình mà trở thành vấn đề dư luận băn khoăn, lo ngại, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt hơn nữa từ nhiều phía.
Bản chất của nghiện game
Tháng 6-2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần.
Bác sĩ CKI Phạm Đức Cường, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: Nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của trẻ em. Trẻ được xác định nghiện game khi trẻ nhập tâm vào trò chơi yêu thích trong game, không kiểm soát được bản thân khỏi game, chơi ở bất cứ đâu, chơi game liên tục, không nghỉ trong nhiều giờ. Trẻ thèm muốn việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống, giảm khả năng giao tiếp, sống thu mình...
Theo bác sĩ Cường, những bệnh nhân bị rối loạn tâm lý liên quan đến nghiện game ít đến bệnh viện điều trị mà tự quản lý, điều trị tại nhà. Nhiều gia đình chỉ đưa con đi khám khi trẻ có các dấu hiệu nặng như suy nhược cơ thể, trầm cảm hay loạn thần...
Tính nguy hiểm của việc sa đà vào game online
Ngày 5-4-2021, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Vũ Tiến Long, sinh năm 1998, ở thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc (Hà Trung) với các tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Với hành vi phạm tội của mình, Vũ Tiến Long đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt mức án tử hình. Con đường phạm tội của Long xuất phát từ việc Long không chịu làm ăn mà thường xuyên chơi game và trộm cắp vặt.
Đầu tháng 11-2020, vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại thôn Yên Thôn, xã Định Tiến (Yên Định), khiến bà L.T.H. (SN 1955) bị giết hại và cướp tài sản cũng liên quan đến những đối tượng nghiện game online. Các đối tượng gây án là những thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ nhưng vì thiếu tiền tiêu xài, tiền chơi game nên lên kế hoạch, chuẩn bị trước hung khí và ra tay hết sức tàn bạo với người phụ nữ cùng thôn để cướp tài sản...
Đây chỉ là một số câu chuyện trong rất nhiều hồ sơ vụ án cho thấy nghiện game online chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội. Từ nghiện game, không có tiền chơi game, các đối tượng sẽ nghĩ ra các trò trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí là giết người... Những câu chuyện, hành vi phạm tội dẫn đến vòng lao lý ấy không phải ở đâu xa mà xảy ra hằng ngày xung quanh chúng ta, đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía để kiểm soát mầm mống tội phạm từ nghiện game online.
Game online là “món ăn tinh thần” của thời kỳ công nghệ số, tuy nhiên nếu không kiểm soát, không làm chủ được thời gian chơi game sẽ dẫn đến nghiện game, khiến người chơi, nhất là trẻ em dễ rơi vào mê muội. Một khi trẻ dành quá nhiều thời gian cho game sẽ không có cơ hội tương tác cần thiết trong cuộc sống để hình thành nhân cách của bản thân. Để phòng ngừa vấn nạn nghiện game online đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Người thân trong gia đình cần dành thời gian quan sát cách sinh hoạt, cách chơi của trẻ để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường. Đối với trẻ nhỏ, cần quản lý thời gian xem ti vi, chơi các thiết bị điện tử, không nên quá 1 giờ đồng hồ/ngày, không nên cho trẻ ngủ muộn (sau 22h đêm). Đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên, phải dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự, làm bạn với các cháu, khuyến khích con tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng, gặp gỡ bạn bè, vận động, chơi thể thao hằng ngày nhằm cân bằng cuộc sống. Giải thích cho các bạn trẻ về những tác hại của việc nghiện game, các triệu chứng rối loạn do chơi game trong thời gian dài và lập thời gian biểu những việc làm hằng ngày để hướng các bạn thực hiện theo; kiểm soát thời gian hoặc cài đặt các phần mềm theo dõi để xem con đang chơi cái gì. Nếu có chơi game thì chỉ chơi ở mức giải trí với những trò chơi nhẹ nhàng vui nhộn, tránh xa những game bạo lực...